Chiều 25.6, tại TP.HCM, Nhóm thúc đẩy truyền thông về thuyền viên gồm các thành viên nòng cốt của CLB Thuyền trưởng Việt Nam phối hợp với Trường cao đẳng Hàng hải 2 tổ chức ra mắt cuốn sách Đời thủy thủ - bước chân trên sóng cả (tác giả Lê Vân - Vỹ Khương; NXB Hồng Đức, 2024). Đây là dự án sách đầu tiên về thuyền viên Việt Nam được triển khai từ tháng 9.2023 và hoàn thành vào tháng 6.2024, đúng vào dịp Ngày quốc tế thuyền viên (The Day of Seafarers) được tổ chức vào 25.6 hằng năm.
Tập sách gồm 4 chương Những bước chân đầu tiên, Đi biển thời… khó, Lính đánh thuê thời hội nhập, Để nhớ một thời biển cả. Mỗi chương của trang sách sẽ giúp người đọc phần nào hình dung được cuộc đời đa dạng của những người ngày đêm theo con thuyền lênh đênh trên biển cả.
Đời thủy thủ - bước chân trên sóng cả được xem như một hải trình ngược thời gian trở về với từng giai đoạn lịch sử của đất nước. Đó là những con tàu mang ký hiệu “GP” ra đời từ những năm 1968 -1973 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ qua hồi ký của cựu thủy thủ Vũ Văn Mậu. Tiếp theo đó là hồi ký của ông Nguyễn Văn Quế, được xem là người Việt đầu tiên có bằng thuyền trưởng do Pháp cấp, những câu chuyện của ông đã cho chúng ta cũng thấy được khát vọng chinh phục đại dương của người Việt.
Những bước chân trên sóng cả còn là những bước chân đầu tiên trong hải trình của những người từng có một thời thanh xuân với mong muốn cống hiến nhiều nhất cho quê hương, tổ quốc. Đó là câu chuyện của thuyền trưởng (Capt) Nguyễn Mạnh Hà, người được xem là “thuyền trưởng trẻ nhất trong chiến tranh”. Thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Hà cũng là một nhân vật khá đặc biệt, khi sở hữu chiều cao khá khiêm tốn (1,58m) nhưng anh đã khiến cho mọi người phải nể phục bởi tính cách mạnh mẽ quyết đoán trong các tình huống trên biển. Đó là Trần Khánh Dư, Capt lẫy lừng một thời khi lái con tàu Cửu Long huyền thoại vào nam ra bắc. Đây là con tàu trọng tải 1.500 tấn duy nhất lúc bấy giờ chuyên chở xăng dầu, hàng hóa cung cấp cho chiến trường miền Nam.
Câu chuyện của kỹ sư hàng hải Doãn Mạnh Dũng về lần thoát chết trên tàu Cửu Long ngày 31.12.1971 đã khiến mọi người vừa cảm phục vừa xúc động, được xem như những thước phim tư liệu sống động về một thời đã qua.
Video nữ thuyền trưởng Nguyễn Thị Hồng kể chuyện cứu người trong bão biển:
Với nỗ lực trân trọng và nhắc nhớ quá khứ, nhóm tác giả cũng như nhóm thực hiện dự án sách đã cố gắng đưa vào tác phẩm nhiều nhân vật lịch sử của ngành hàng hải Việt Nam, như thầy giáo - thuyền trưởng Tiếu Văn Kính, người đầu tiên soạn bộ sách Sổ tay hàng hải; bà Nguyễn Thị Hồng - thuyền trưởng nữ đầu tiên của Việt Nam... Dù mỗi nhân vật chỉ dừng ở lát cắt, nhưng đó là sự ghi nhận đáng quý.
Bên cạnh đó, tập sách cũng dành nhiều trang viết về thế hệ thủy thủ trẻ hôm nay. Họ được xem là “lính đánh thuê thời hội nhập”. Trong đó đặc biệt có những nữ thủy thủ đi tàu viễn dương. Không đơn thuần chỉ là một lựa chọn nghề nghiệp, đó còn là niềm đam mê khát khao chinh phục đại dương của những cô gái Việt Nam còn rất trẻ.
Dù có thể chưa vẽ lên một bức tranh toàn cảnh hàng hải Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử nhưng có thể nói Đời thủy thủ - bước chân trên sóng cả đã cho chúng ta những mảnh ghép lớn, những góc nhìn rất chân thật, thú vị về cuộc sống của các thuyền viên Việt Nam.
“Đội tàu biển Việt Nam với xuất phát điểm từ những con tàu gỗ, tàu sắt loại nhỏ, được trang bị thô sơ, chạy ven biển để phục vụ chiến tranh rồi mới được tăng dần về trọng tải, hiện đại dần về trang thiết bị để từng bước vươn ra biển lớn. Làm việc trên những con tàu đó là các thế hệ thuyền viên Việt Nam, họ cũng phải đi từ những bước ban đầu chỉ được đào tạo sơ khai rồi dần dần mới được đào tạo chính quy và hiện đại.
Trong bối cảnh đất nước phải trải qua những thời kỳ chiến tranh đầy gian khó và phát triển trong thời bình cũng đầy thử thách, ngành hàng hải Việt Nam, vốn luôn gắn liền với các quá trình phát triển của quốc gia, cũng không thể tách rời được với tiến trình này.
Những mẩu chuyện thu thập được trong cuốn sách Đời thủy thủ - bước chân trên sóng cả phác thảo cho chúng ta phần nào cuộc sống và công việc của các thế hệ thuyền viên Việt Nam qua các thời kỳ.
Chúng ta cảm phục những tấm gương dũng cảm, yêu nghề, tự học, tự tìm tòi vượt khó của các lớp thuyền viên thế hệ trước và cũng trân trọng, quý mến những thuyền viên thuộc thế hệ trẻ, nhất là những thuyền viên nữ, đã nỗ lực làm chủ được những con tàu hiện đại của các đội tàu thế giới. Họ đã và đang góp phần giúp cho sự lưu thông của phần lớn năng lượng, vật tư, hàng hóa của Việt Nam và của toàn thế giới.
Cho dù các con tàu có được trang bị ngày càng hiện đại thì những khó khăn nhọc nhằn của người đi biển vẫn còn đó bởi đó là đặc tính cố hữu của nghề này. Tuy vậy, vẫn có và chúng ta luôn mong có được những người yêu nghề, yêu biển và dám chịu đựng vất vả, hy sinh để cho cuộc sống của phần còn lại của nhân loại được tốt đẹp hơn.Mong rằng mỗi độc giả sẽ tự có chiêm nghiệm cho riêng mình qua từng mẩu chuyện trong cuốn sách đáng quý này.
Nguồn: Thuyền trưởng Nguyễn Văn Thư - Chủ tịch Câu lạc bộ Thuyền trưởng VN đăng trên 1thegioi.vn